#076 | Thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty vận tải T (Nguyên đơn - Bên mua bảo hiểm) ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty bảo hiểm N (Bị đơn - Bên bảo hiểm). Trong hợp đồng, các Bên thỏa thuận áp dụng pháp luật của Anh và thỏa thuận này đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Bài học kinh nghiệm:

Trong thực tế thương mại, chúng ta đôi khi gặp trường hợp các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng. Thỏa thuận loại này có được chấp nhận không?

Trong vụ việc trên, các Bên thỏa thuận tại Điều 2 trong hợp đồng rằng Luật áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm này là Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010, Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005. Những điểm Bộ luật hàng hải chưa quy định thì áp dụng Luật, Tập quán bảo hiểm hàng hải Anh. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Bị đơn viện dẫn pháp luật của Anh và, căn cứ vào Điều 1.2 của hợp đồng, Điều 6.1 Quy tắc bảo hiểm ITC 1995, Điều 246.1.a Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Điều 39.5 Luật Bảo hiểm hàng hải Anh quốc, Bị đơn cho rằng yêu cầu đòi bồi thường tổn thất của Nguyên đơn là không có căn cứ pháp lý.

Ở đây, các Bên thỏa thuận khả năng áp dụng pháp luật của Anh và Bị đơn đã khai thác pháp luật của Anh để bảo vệ quyền lợi của mình. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xét rằng “căn cứ Khoản 2 Điều 22 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC (có hiệu lực từ ngày 01/01/2012), khoản 4 Điều 3 và khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Điều 758 Bộ luật dân sự năm 2005 và thỏa thuận giữa Nguyên đơn và Bị đơn, pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn là pháp luật Việt Nam và Luật, Tập quán bảo hiểm hàng hải Anh. Tại Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, Nguyên đơn và Bị đơn cho rằng tranh chấp này phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm về yêu cầu thanh toán bồi thường cho rủi ro được bảo hiểm nên luật áp dụng là Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Hàng hải năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, Nguyên đơn và Bị đơn thống nhất áp dụng Điều khoản bảo hiểm thời hạn thân tàu của Hội những người bảo hiểm London ngày 01/11/1995 (gọi tắt là Quy tắc bảo hiểm ITC). Vì vậy, Quy tắc bảo hiểm ITC cũng là luật áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn”.

Phần trên cho thấy Hội đồng Trọng tài chấp nhận thỏa thuận của các Bên về khả năng áp dụng pháp luật của Anh và, trong khi giải quyết, Hội đồng Trọng tài cũng viện dẫn tới pháp luật của Anh. Chẳng hạn, liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, Hội đồng Trọng tài cho rằng “rủi ro mắc cạn của tàu TB 05 do gặp sóng to, gió lớn làm trôi neo là rủi ro được bảo hiểm thuộc trường hợp tổn thất hay tổn hại của đối tượng bảo hiểm gây ra bởi Hiểm họa của biển, sông, hồ hoặc vùng nước có thể hoạt động được quy định tại Mục I phần Tóm tắt các điều khoản bảo hiểm của Đơn bảo hiểm. Rủi ro này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 244, Khoản 1 Bộ luật hàng hải cũng như Điều 55, Khoản 1 Luật Bảo hiểm hàng hải Anh”.

Như vậy, các Bên thỏa thuận khả năng áp dụng pháp luật của Anh và thỏa thuận này được Hội đồng Trọng tài chấp nhận (Hội đồng Trọng tài cũng đã khai thác pháp luật của Anh khi giải quyết tranh chấp). Thực ra, khả năng thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài đã được Luật Trọng tài thương mại năm 2010 ghi nhận tại khoản 2 Điều 14 theo đó “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”. Điều đó có nghĩa là Luật cho phép các Bên lựa chọn áp dụng pháp luật và ở đây các Bên đã lựa chọn áp dụng cả pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam. Đối với khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài, điều luật trên áp dụng “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài” và, do đó, thỏa thuận áp dụng pháp luật Anh nêu trên chỉ được chấp nhận “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài”[1]. Từ đó, cần phải xác định quan hệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hay không?

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không định nghĩa tranh chấp có yếu tố nước ngoài và quy định viện dẫn tới Bộ luật dân sự năm 2005 tại khoản 4 Điều 3 theo đó “tranh chấp có yếu tố nước ngoài là tranh chấp phát sinh trong quan hệ thương mại, quan hệ pháp luật khác có yếu tố nước ngoài được quy định tại Bộ luật dân sự”. Thực tế, Bộ luật dân sự có đưa ra những dấu hiệu để xác định quan hệ có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, theo Điều 758 Bộ luật dân sự năm 2005, “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Bộ luật dân sự năm 2015 có sự thay đổi so với Bộ luật dân sự năm 2005 vì quy định “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài” (khoản 2 Điều 663).

Quy định trên đưa ra hai loại dấu hiệu nhận biết quan hệ có yếu tố nước ngoài: Loại dấu hiệu mang tính chủ quan tập trung vào chủ thể tham gia vào quan hệ và loại dấu hiệu mang tính khách quan tập trung vào xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hay tài sản liên quan đến quan hệ.

Ở vụ việc trên, cả hai Bên đều là công ty Việt Nam. Do đó, không thể dựa vào yếu tố chủ quan để xác định quan hệ có yếu tố nước ngoài. Vậy, Hội đồng Trọng tài đã xác định có yếu tố nước ngoài dựa vào yếu tố nào? Thực ra, đối tượng được bảo hiểm là chiếc tàu của Bên mua bảo hiểm bị mắc cạn tại Philipines và điều này cho thấy quan hệ giữa các Bên liên quan đến tài sản ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là quan hệ giữa các Bên đang có tranh chấp có yếu tố nước ngoài nên, trên cơ sở Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các Bên được thỏa thuận chọn áp dụng pháp luật nước ngoài.

Ở đây, chúng ta thấy các Bên đã lựa chọn hai hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ bảo hiểm là pháp luật Việt Nam và pháp luật của Anh trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định. Khả năng thỏa thuận chọn 2 hệ thống pháp luật như vậy không được ghi nhận một cách minh thị tại Điều 14 nêu trên. Tuy nhiên, với nội hàm “Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”, chúng ta có thể hiểu rằng pháp luật hiện hành cho phép các bên thỏa thuận như trên và việc Hội đồng Trọng tài chấp nhận thỏa thuận của các Bên là phù hợp với quy định.

Lưu ý là, đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài như vụ việc trên, khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn quy định “nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất”. Quy định này trao cho Hội đồng Trọng tài quyền xác định pháp luật điều chỉnh và, trong thực tế, Hội đồng Trọng tài thường dựa vào nhiều yếu tố để xác định pháp luật điều chỉnh. Ví dụ, một Phán quyết trọng tài khác ghi “Hợp đồng có tranh chấp có mối quan hệ với Việt Nam vì một bên là Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và Người thụ hưởng L/C là một doanh nghiệp Việt Nam, một số chứng từ do cơ quan Việt Nam cấp. Hợp đồng đang tranh chấp cũng có mối quan hệ với Trung Quốc vì một bên là Trung Quốc, hàng hóa được giao tại Trung Quốc, Ngân hàng thanh toán L/C là một Ngân hàng Trung quốc, phân tích hàng hóa do một tổ chức của Trung Quốc tiến hành. Tuy nhiên, trong Đơn khởi kiện, Nguyên đơn theo hướng áp dụng “luật Việt Nam” và Đơn khởi kiện đã được gửi đến Bị đơn một cách hợp lệ nhưng Bị đơn không có ý kiến khác. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp”.

Như vậy, đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp biết rằng họ được quyền thỏa thuận áp dụng pháp luật cho quan hệ của mình. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, Hội đồng Trọng tài sẽ tự xác định hệ thống pháp luật thích ứng. Để chắc chắn về hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ với đối tác, doanh nghiệp nên thỏa thuận về pháp luật điều chỉnh như các bên đã làm trong vụ việc trên và thỏa thuận này được Trọng tài chấp nhận.

 

[1] Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, các bên không có sự lựa chọn vì khoản 1 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã khẳng định “Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp”.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI